27 tháng 11, 2007

VN Index…


Thị trường chứng khoán xuất hiện tại VN vào ngày 20/7/2000, lúc ấy tại Sở Thương Mại Tp.HCM. Vài năm trở lại đây phát triển rầm rộ với 2 sàn Tp.HCM và Hà Nội. VN Index (chỉ số chứng khoán) chạm đáy khoảng 900 điểm và lên đỉnh cao nhất 1100 điểm. Có khi từ 1100 xuống 900 chỉ trong vòng 1 tuần hoặc 10 ngày.
Nhiều người nhận xét rốt cuộc tiền chạy vào túi các nhà tài phiệt nước ngoài. Họ đầu tư trong tư thế chủ động, dẫu biết nhiều yếu tố thoạt nghe có vẻ khách quan nhưng đa phần đều do họ thao túng thị trường, dư thừa vốn liếng không biết nao núng, không làm ăn theo kiểu 'lướt sóng", cổ phần lên xuống đa phần do họ định đoạt...
Trước kia nhiều năm liền giá dầu ổn định 29 đô/ thùng, vàng khoảng 270 đô/ ounce. Chiến tranh Irắc, bất ổn chính trị trên thế giới v.v... giá dầu tăng vọt, giờ đây là 100 đô/thùng, vàng 830-840 đô/ounce. Tiền Việt là trên 16 triệu/ 1 lượng SJC. Tiền đô mất giá nhiều, trước kia cao điểm 1000 đô mua được gần 3 cây, hoặc 2 cây có lẻ là chuyện thường, bây giờ 1000 đô chỉ mua được 1 cây, có khi phải bù thêm chút đỉnh. (Mấy năm liền đô vẫn nằm giá 16. Euro (đồng tiền chung Châu Âu là trên 22 hoặc 23).
Dầu hỏa xăng khí đốt tăng, kéo theo mọi sinh hoạt cao vời vợi: giao thông, đánh bắt thủy hải sản, cày kéo, xay xát... những hoạt động liên quan đến năng lượng, rồi những thứ không liên quan cũng tăng gián tiếp...
Mỗi chiều lúc 4 giờ tại VOV1, rađiô thông báo giá cả thị trường, chỉ 5 phút thôi nhưng rõ giá vàng và những thứ liên quan và nhịp điệu thị trường chứng khoán... Tương tự vậy lúc 5 giờ chiều bản tin thị trường giá cả tại đài địa phương, 6 giờ 45 chiều và 9 giờ tối tại bản tin tài chính trên VTV1 (tivi).
Các websites sau cập nhật thông tin giá cả hàng ngày:
www.daktra.com.vn & www.bantintaichinh.com.vn
ĐỨC YÊN

4 tháng 11, 2007

BỨC TRANH VIỆT NAM


...Mọi người vừa tưởng niệm xong 6 năm vụ 1/9 bên Mỹ thì 2 tuần sau, 8 giờ sáng ngày 26/9/2007 tại VN xảy ra vụ sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ (gọi tắt là sập cầu Cần Thơ) làm thiệt mạng trên 50 người và khoảng gần gấp đôi con số như vậy bị thương. Là tai nạn tệ hại nhất của ngành cầu đường VN từ trước tới nay. Chỉ giây lát sau, các đài đưa tin ngay, trong một buổi gần như cả nước đều biết và lan tỏa ra khắp thế giới.
Về mức độ khủng khiếp và nhịp khẩn trương khi sự cố xảy ra, một góc nào đó có thể so sánh 26/9/2007 tại Cần Thơ là 11/9/2001 bên Mỹ thu nhỏ lại: gấp rút cứu nạn người bị thương, điều động ngay các bác sĩ ngoại khoa giỏi nhất từ SG và các tỉnh miền tây về Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ, người người nhanh chóng đến hiến máu cứu hộ... đưa thi thế nạn nhân không còn nguyên vẹn từ dưới đống đổ nát tầng tầng lớp lớp bê tông nặng hàng ngàn tấn (nạn nhân cuối cùng được tìm thấy sau 3 tuần đào bới)...
Một điều ít ai biết là nhiều năm rồi, qua các phương tiện DY quen một số người tại miền Tây, trong đó có cả Cần Thơ. Được tin dữ liên nhắn hỏi thăm: các người quen ở đó không ai làm sao cả nhưng lòng DY buồn rười rượi: những ngày kế tiếp qua các tin tức thật ngậm ngùi xót xa: nước mắt nhân gian không ngừng chảy, có thể lấp đầy đại dương biển hồ sông suối! Vùng nội ngoại thành SG có nhiều cây cầu lớn nhỏ nay già yếu, tuổi thọ đã cao, hàng ngày phải gồng mình gánh bao nhiêu khối lượng xe với tải trọng kinh hồn, chưa biết sẽ sập vào giờ phút nào... Áp tải trước sau vụ Cần Thơ là các cơn bão số 2 và số 5 đổ bộ vào miền trung. Riêng số người chết trong cơn bão số 5 tương tự lần sập cầu Cần Thơ vậy.
Xưa nay ta vẫn quen câu: nhất thủy nhì hỏa. Sức phá hoại của giặc nước là kinh hồn, kế tiếp giặc lửa. Trong khi VN bão lụt liên miên thì bên Cali hạn hán, nạn cháy rừng ở tiểu bang này suốt tuần thiêu rụi hàng ngàn hecta, cháy lan nhà cửa và hàng loạt cơ sở hạ tầng, 1 triệu người di tản. Giờ đây ở SG, với mức độ ấm dần của trái đất, nước biển có xu hướng dâng cao một vài mét, kết hợp với triều cường gây lụt lội một số vùng ven: không phải xa xôi, có thể chứng kiến qua hiện trường hoặc tivi...
BỨC TRANH VIỆT NAM
Bức tranh với nhiều gam màu sáng tối, vừa vui tươi vừa ảm đạm.
Cuộc đời không chỉ niềm vui mà còn cả nỗi buồn.
Bức tranh Việt Nam như nén nhang tâm linh gởi tới nạn nhân các thảm họa tại VN nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
***
Việt Nam là nước Đông Nam Châu Á. Phía tây đất liền một dải giáp Lào Campuchia, bắc giáp Trung Quốc, còn đông có Thái Bình Dương bao bọc. Những địa danh lịch sử và truyền thuyết vẫn còn đó: dòng giống rồng tiên Lạc Long Quân Âu Cơ, 18 đời vua Hùng Vương gắn liền với Phú Thọ; Hai Bà Trưng (Mê Linh - Vĩnh Phúc), Trần Hưng Đạo (Hải Dương), Tiên Dung - Chữ Đồng Tử (Ninh Bình) v.v...
Một số địa chỉ trong văn học cũng có thật, ví dụ bài thơ "Đi Chùa Hương" lâu đời của Nguyễn Nhược Pháp, giờ đây hằng năm mỗi dịp đầu xuân thiên hạ vẫn đổ xô tìm đến: Chùa Hương nằm ở tỉnh Hà Tây. Hoặc mối tình câm nín của anh chàng Vọi, ngu đần vạm vỡ thô kệch với cô thiếu nữ tỉnh thành trong tiểu thuyết "Trống Mái" của Khái Hưng: hòn Trống Mái tọa lạc tại bãi biển Sầm Sơn, thắng cảnh đẹp của tỉnh Thanh Hóa...
Về dân số, đầu thế kỷ 20, căn cứ lời hiệu triệu của cụ Phan Bội Châu: "Hỡi 5 triệu đồng bào", ta có thể hiểu hồi đó là 5 triệu. Trước 75, hay nghe kêu gọi: "Hỡi 17 triệu dân miền nam". Tính luôn miền bắc VN có khoảng 34 triệu. Sau 75 dân số tăng nhanh: 50, 60, 70 bây giờ là 84 triệu. VN là nước đông dân thứ 13 trên thế giới.
***
Việt Nam có trên 3200 km bờ biển. Đánh bắt khai thác thủy sản là nguồn sống, là nền kinh tế mũi nhọn của cư dân vùng biển và đất nước, đồng thời là mối hiểm họa khôn lường. Mỗi năm khoảng chục cơn bão hình thành từ phía đông đổ bộ vào đất liền. Lần nào nhà nước và nhân dân cũng chủ động đối phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Có khi bão hoành hành ngoài biển xa ngư dân trở tay không kịp. Năm 97 hàng trăm bà con Cà Mau thiệt mạng trong hoàn cảnh này, cùng con số tương tự vào trung tuần tháng 5/2006 đối với ngư dân vùng biển miền trung: Đà Nẵng, Quảng Nam Quảng Ngãi... Hàng trăm con thuyền đánh bắt xa bờ, ra khơi hàng ngàn hải lý, đi đến tận đảo Đài Loan. 30 giờ chống chọi với sóng lớn bão dữ cấp 12, số người thiệt mạng lẫn mất tích đến 280 người, toàn lao động chính trụ cột gia đình làng chài ven biển, kéo theo bao hệ lụy dài lâu. Còn mưa nguồn lũ lụt mỗi năm cuốn trôi người không kể xiết...
Trước đây đọc "Sans famille" (Vô gia đình) của văn hào Pháp Hertor Malot, thấy anh chàng nhân vật chính mắc kẹt dưới hầm mỏ, ta dễ nghĩ chỉ là chuyện cổ tích hy hữu thủa nào. Sự cố hiểm nghèo này là chuyện đương thời xảy ra với các thợ mỏ khai thác than ở tỉnh Quảng Ninh: than không nằm lộ thiên nên phải khai thác dưới lòng đất, thỉnh thoảng sập hầm lò ở độ sâu 400 hoặc 700m. Một cây số trên đường trường không là gì cả, nhưng 700m dưới lòng đất thật đáng quan tâm. Thử nhìn xuống giếng nước sâu 20 hoặc 30m, người yếu tim dễ choáng ngợp rồi...
Khi có bão biển, sự cố sập hầm lò hoặc thảm họa tương tự, công tác cứu hộ được tiến hành khẩn trương. Dẫu tình trạng tồi tệ nhất, thế nào cũng có người sống sót trở về. Mỗi dịp như vậy nhà đài hay tổ chức truyền hình trực tiếp, vào thời điểm thuận tiện, 8 giờ tối, để khán giả có thể gặp gỡ liên hệ và giao lưu trực tuyến với người trở về từ cõi chết, và những thành phần liên quan: đội cứu hộ, nạn nhân liên đới... Sau thảm họa, hoàn hồn thời gian xong ai nấy trở về công việc cũ: nghề biển ra biển, thợ mỏ xuống lò, vì không biết làm gì hơn. Sinh nghề tử nghiệp!
Tai nạn giao thông cũng là vấn đề nghiêm trọng. Mỗi sáng mỗi tối các đài đưa tin tại VN khoảng 30 người tử nạn giao thông trong ngày, ngày nào cũng vậy.
Cùng với chiến tranh, dịch bệnh, động đất, sóng thần... ở các nước cướp đi sinh mạng nhiều người trên thế giới, bên VN giờ phút nào cũng có nhiều người đột ngột ra đi vì tử nạn.
Chúng ta cùng cảm thông với những đau thương của nhân loại.
Nguyện cầu nhân loại bớt khổ đau.

ĐỨC YÊN, 4.11.2007