18 tháng 2, 2008

TẾT XONG…


Vậy là hết tết rồi. Khác với lũ nhỏ đang còn ngẩn ngơ tiếc nuối vì ngày vui qua mau (ước gì mỗi năm 365 ngày đều là tết nhỉ?), người lớn lại có cái nhìn chững chạc hơn, rộng dài hơn, xuyên suốt tháng ngày sắp tới và nhớ lại những biến cố đã xảy ra nhiều năm qua. Trước khi trưởng thành lớn tuổi mọi người đều trải qua thời kỳ trẻ em. Quy luật muôn đời là vậy, thời gian làm lão hóa dần dần...
Dịp tết thiên hạ thường ít dùng dương lịch như quanh năm, thay vào đó là ngày âm (một cách bông đùa: gọi lại nhũ danh thời con gái sau khi lấy chồng lâu rồi vậy): từ hăm ba, hăm tư tháng chạp đến mùng 9, mùng 10 tết. Có thể dài hơn, có thể ngắn hơn, tính trung bình kỳ nghỉ tết là khoảng 1 tuần. Đôi trường hợp về vào chiều 30, sáng mùng 3 ra đi, vắn ngày để gặp mỗi người chút đỉnh. Tết nhất ở xa không có điều kiện gặp mặt thì nói chuyện một ít bằng điện thoại. Qua đây hiểu rằng chúng ta sẽ không khỏe mãi đến muôn đời được, vì đôi khi một vài câu qua phone cũng là chậm chạp, khó phát âm vì bị đau (something)... Tương tự vậy internet có lúc không sử dụng được nữa, vì nhức mắt hoặc tension chẳng hạn, là những bịnh dễ dị ứng với vi tính. Bởi vậy hoạt động sôi nổi khi còn có thể, về sau sức khỏe kém rồi hết đát là không ân hận.
Tết nhất nhớ cô việt kiều kể chuyện khi xưa được ông ngoại dắt tay đến nhà thờ, trên đường đi cô luôn chăm chú nhìn xuống đất, để ý quan sát vạt cỏ hai bên đường, miệng luôn thầm thì cầu xin Chúa cho con tìm được chiếc kẹp tóc. Cái kẹp cài tóc không phải do cô vô ý để mất (vì có đâu mà mất!), cô chỉ cầu mong ai đó đánh rơi đặng cô nhặt được. Niềm ao ước nhỏ nhoi nhưng khát khao mãnh liệt đó mãi không thành tựu. Mấy chục năm sau về thăm quê, thật thà đắn đo không kém, khó khăn lắm cô mới dám lựa lời ướm hỏi một người nghèo khó vừa gặp bên nhà thờ: tôi muốn biếu bà một ít tiền, chỉ sợ bà buồn, tôi biếu bà nhé, bà bằng lòng không? Người kia trả lời: cô cho tôi thì tôi mừng và cảm ơn nhiều lắm, cớ sao lại buồn chứ???
Tết gặp cụ bà tuổi 95, lưng còng nhưng còn mạnh, chống gậy đi khắp vườn nhà lượm củi, cào lá quét dọn… Sức khỏe khả quan cụ làm việc vặt tự nấu ăn được. Các con trai gái dâu rể cụ đều mãn phần rồi, giờ chỉ còn đoàn cháu nội ngoại và gần 30 đứa chắt. Thật tốt đây là người hiền lành mực thước, nói chuyện vẫn mạch lạc minh mẫn, có điều cụ tâm sự rất sợ giờ chết. Nghĩ đến sự chết lạnh toát cả người. Cụ rùng mình khiếp sợ nghĩ khi phải vượt qua cửa ải này...
Ngày tết lần đầu tiên em đến nhà giây lát, kể nhau nghe thoáng qua một đôi câu chuyện. Không phải hàng năm, có khi mấy năm hoặc lâu hơn mới một lần gặp mặt, sự hiện diện ngắn ngủi của em làm bừng sáng mùa xuân. Ngắm em nhớ lại thời còn trẻ tuổi đầu 2, tương tự em bây giờ vậy (tuổi em đang bắt đầu bằng con số 2). Nhìn lại trong gương, thấy mái tóc xanh xưa kia nay đã bạc màu, hàng rằng trắng bóng đều đặn giờ rụng một số phải nhờ nha khoa thẩm mỹ can thiệp dùm, đôi mắt sáng láng ngày nào giờ kém hẳn thị lực, còn làn da căng tròn trẻ trung nay đổi sắc khá nhăn nheo vì già nua tuổi tác... Phong bao tấn tài tấn lộc đỏ rực mới cáu cạnh em mừng cho lũ nhỏ là điềm báo tốt lành may mắn suốt cả năm. Trẻ em chơi chán rồi bỏ lại, giữ đây cẩn thận để làm kỷ niệm dịp gặp hiếm hoi tại nhà...
Ngày Xuân tản mạn chung chung vậy, có thể ai đó nhận ra câu chuyện của chính mình, hoặc một vài góc cạnh được đề cập, vậy là tốt rồi... Cuộc sống Thành phố Lớn đang bận rộn theo nhịp công nghiệp mỗi ngày làm nhiều giờ, khởi động đầu năm có "TẾT XONG " đồng hành cùng mọi người...
Những chuyện trên có thể cá biệt của số ít, còn đoạn sau chắc hẳn sự trùng phùng, là mẫu số chung của nhiều người vào đúng lúc này: hội ngộ đoàn tụ sum họp xong, sau tết đến việc ra đi trở lại nơi công tác: những giọt nước mắt nhung nhớ ngậm ngùi âm thầm chảy, hoặc nhẹ nhất lòng thoáng chút xao xuyến bồi hồi. Nơi tiễn đưa thường là bến xe sân ga hàng không cầu cảng: những chiếc khăn hồng thổn thức bay, những bàn tay vẫy những bàn tay, hết rồi giây phút tay trong tay. Xa xưa, hiện tại và sau này...
Qua tết ai nấy quay lại công việc của riêng mình, đi học hoặc đi làm. Quan sát trước sau, thời gian ngưng đọng khoảng 1 tuần mừng Xuân rồi mới sinh hoạt đều đặn quay trở lại. Dù muốn hay không, qua một chu kỳ hết năm đến hẹn lại lên, tết lại về. "Người lớn thì lo con nít thì mừng". Đôi khi chúng ta tự hỏi trước kia ai đặt ra tết nhỉ? Không biết rõ nhưng tục lệ có từ xa xưa rồi, sau nầy muôn đời vẫn thế, giống như việc cưới hỏi giỗ chạp vậy. Tết Nguyên Đán còn được gọi là Tết Cả: Tết đầu tiên trong năm, nhưng có thể hiểu cách khác là tất cả mọi người (vùng Đông Nam Á nói chung) đều dừng lại nghĩ ngơi mừng năm mới cùng thời điểm.
Hết Xuân lại vào Hạ, Thu tàn rồi sang Đông. Vòng quay chu kỳ tuần hoàn đất trời dường như còn mãi mãi... Mỗi năm mỗi tuổi, thêm lớn thêm già, tre già măng mọc thế hệ sau tiếp nối...

Đức Yên