29 tháng 4, 2008

SAMSUNG B100...


Khi xưa phương tiện liên lạc còn mới mẻ, xài di động phải là đại gia hay nhân vật quan trọng, ta sực nhớ điều này khi vừa rồi nhà đài điểm lại tình hình mươi năm trước: phí hòa mạng 2 triệu đồng, thuê bao hàng tháng 200 ngàn, cuộc mỗi phút gọi từ 2500 đến 3000, nếu chưa đủ thời gian cũng tính tròn phút tròn giây. Bây giờ khác hẳn: từ công nhân viên chức, trẻ em nhỏ tuổi còn đi học đến người buôn thúng bán bưng, ai ai cũng có thể di động cầm tay. Xài nhiều, gọi nhiều lạm phát đến độ không cần cũng gọi. Hết rồi cảnh độc quyền, các hãng tăng tốc trên đường đua siêu khuyến mãi, bán hàng đại hạ giá. Sinh hoạt cuộc sống ngày càng đắt đỏ, riêng lãnh vực viễn thông theo chiều hướng ngược lại. Công nghệ phát triển, cũng như máy tính và các phương tiện khác, điện thoại đời càng sau càng hiện đại hơn đời trước.
Dùng máy tính và di động khá sớm sủa, hai thứ này giúp bác được nhiều việc. Vừa qua hãng khuyến mãi bác một chiếc di động Samsung B100 mới cáu cạnh, hữu nghị vừa bán vừa biếu, cài cắm trong đó là thẻ sim với số tiền khá. Thật sự tổng giá trị không quá khổng lồ đâu, bình thường ai cũng sắm được, nhưng mang lại cho bác nho nhỏ một niềm vui.
...Các hãng khôn lắm. Ví dụ đúng thời điểm này mua sim 70 ngàn, họ khuyến mãi gấp 2,5 đến 3 lần, được khoảng 180 hoặc hơn chút đỉnh. Thời gian sử dụng 5 hoặc 6 tháng tùy hãng. Khuyến mãi chiếc di động, rồi tặng sim với tài khoản kha khá, khi kích hoạt mới hay thời gian sử dụng bị rút ngắn lại tương ứng. Tiền ít, thời gian dài, tiền nhiều, thời gian ngắn cho phù hợp (???) Nếu hai thứ này tỷ lệ thuận sẽ hay biết bao, nhưng "ý bề trên" đã định vậy rồi, đành phải tùy cơ ứng biến thôi.
Nhắn tin không thể hết tiền trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Người ta kể chuyện một cô bé bên Florida, mỗi tháng gởi đến 8000 tin nhắn di động. Không hiểu tính toán ra sao, họ nhẩm thấy cứ trung bình mỗi 5 phút cô bé lại gửi đi một tin. Wow... Thật tài năng. Dù là chuyên viên bấm phím bác cũng không gởi nổi trăm tin nhắn mỗi tháng, huống hồ 8000. Gọi thân nhân lâu nay vẫn dùng máy cũ. Có điện thoại mới, với tiền khuyến mãi trong sim khá nhiều, thời gian dùng tương đối ngắn, nếu không hết có khi mất luôn, xài nhiều năm kinh nghiệm rồi. Vỏ quýt dày móng tay nhọn, bác quyết định biến điều nghiệt ngã này thành việc hữu ích tuyệt vời: quyết định gọi các nơi, bác lên danh sách những người gần xa cũ mới, nhiều số biết sẵn, còn lại hỏi 108 hoặc qua người này người khác. Kèm đó là cả câu chuyện dài...
Nữ sĩ Mình Quân nổi danh từ thập niên 60 thế kỷ trước, gần 40 năm liên lạc qua lại, bác có lắm kỷ niệm và học hỏi được nhiều ở nhà văn này. Khi gọi tới, nhấc máy là cậu thanh niên cháu ngoại bà, bác nhận biết vì cậu reo lên: bà ngoại à, bà ngoại có điện thoại nè. Chắc là con của Nguyện: nhẩm tính, giờ nầy cậu đã tốt nghiệp đại học....
Qua giọng nói, bác hiểu nhà văn Minh Quân nay già yếu, 80 rồi, bà nói: chị không khoẻ nhiều. Với nữ sĩ, bác muốn trò chuyện thoải mái một chút về thời gian dài ngót 40 năm qua. Bà là mẫu mực và niềm mơ ước của bác một thời tuổi trẻ. Hiện bác hoạt động sôi nổi giống bà mấy thập niên trước, có lẽ hăng hái thời gian dài, sau này rồi cũng đến lúc bác sẽ như bà hiện tại.
Có ai gọi hoặc gửi email đến, bác hiếm khi hỏi sao biết số hoặc địa chỉ, vì hiểu ngầm họ hỏi thăm qua nơi nầy nơi khác. Bác cũng vậy. Nô nức gọi nhưng phải căn đúng thời điểm, đêm khuya hay giờ hành chánh, lúc nghỉ trưa v.v... cần tránh, thuộc văn hóa giao tiếp. Như người khách từ xa đến, muốn lại thăm nhà trong khoảnh khắc ngắn ngủi, lựa lúc thuận tiện nhất...
Khác với email là gửi rồi nhận sau cũng được, thật khó biết lúc nào thích hợp để gọi cho đầu dây bên kia. Buổi tối bác hay ngồi nơi bàn làm việc, khoảng 9 giờ bác gọi Hiệp Hoàng, đinh ninh họ cũng vậy nhưng cả 2 cậu đang ngồi trên xe trở về nhà từ sở làm hoặc Giảng Đường Cao Học. Bác nhận ra vì đâu đây tiếng xe ngừng gấp rút, tiếng máy nổ lao xao và 2 cậu đều cho biết đang trên đường về. Tình cờ qua di động được biết 2 cậu vất vả đêm hôm.
Thôi đành chuyển qua sáng sớm vậy, lúc ai nấy còn ở nhà chưa đi làm có lẽ hay nhất, lại tranh thủ giờ thấp điểm, khoảng 6-7h sáng được giảm cước, nhất là gọi nội mạng. Không sớm hơn trước đó vì chắc có người còn ngủ. Vậy 6h trời sáng rõ bác gọi thành phố. Thật đúng thành phố còn ngái ngủ, hẹn gặp lại sau, bác tranh thủ gọi những nơi khác, kết quả tốt.
Sắp 7h gọi lại, thành phố vẫn nửa ngủ nửa thức, hỏi có chuyện gì không bác? Bác nói không có gì, thôi thành phố ngủ tiếp đi...
Vào nam không được thì ra bắc, gọi đến phôn bàn các bậc trên trước không ai nhấc máy, đành gọi vào di động cháu Nguyễn Thái Chung rồi nhờ chuyển lời lại. Chú Bình đi Nhật vẫn chưa về. Quê hương hiển hiện trong ký ức, đây là vùng bác hay nhớ. Mỗi lần gọi như một lần về thăm...
Trương Viết Tri ồ lên mừng rỡ khi gặp lại bác qua điện thoại. Khá lâu rồi còn gi. Tri nay học Bách Khoa Đà Nẵng. Em nói khi nào bác lăng xê cho con một bài nhé? Bác hỏi chuyện tiếp nhưng di động em dùng chắc có vấn đề, không nghe rõ dù bác nói lớn. Em cho email để bác liên lạc sau. Bác nhắc lại câu hôm trước em nghe không rõ: Tri này cao lớn thêm được chút nào không, hay vẫn bé hạt tiêu như năm nào?
Thuộc lãnh vực báo chí truyền thanh, sau khi tốt nghiệp đại học làm việc đúng ngành nghề, anh Công Hân là thanh niên trẻ trung năng nổ không ngại khó, làm việc cả vào ngày nghỉ lễ, đêm hôm khuya khoắt. Lại không muốn xuất hiện để nhiều người biết mặt, nên anh chọn lãnh vực truyền thanh. Bác thật lòng khen ngợi về Diễn Đàn Tuổi Trẻ anh góp phần thực hiện. Anh Hân biết rồi chương trình này thu hút nhiều tầng lớp thính giả, không riêng giới trẻ.
Trước khi gặp anh Quang Quick bác biết ngay sẽ có cuộc nói chuyện thú vị, vì tâm hồn anh vốn trẻ trung, có lẽ mãi đến muôn đời, khi hàng tuần nghe anh đấu khẩu với Snow. Dù chỉ biết qua giọng nói, anh chị đúng là diễn viên trí tuệ, mỗi sáng chủ nhật khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để thưởng thức, hôm nào bỏ lỡ nhiều người tiếc nuối. Anh Quick làm trẻ trung lại những người già nua tuổi tác, nhưng tâm hồn không già...
...
Trong một buổi lễ, nhân vật quan trọng thường xuất hiện sau cùng. Trước khi đặt tay lên bàn phím thực hiện bài này, bác gọi và nói chuyện với VIP Quang Minh (Very important Person)
Quang Minh
Deputy Head of Economic News Section,
News Department, Vietnam Television.

Thêm rất nhiều người biết và cảm tình với anh khi bác viết những phóng sự trước đây về anh và ngược lại, dường như có một sự cộng hưởng lớn.
Bác đang tìm cách nói chuyện với anh Vũ Anh Tuấn và những người khác. Tất cả đều diễn ra trong khoảnh khắc hiếm hoi...
***
Bác không định liệt kê danh sách các cuộc đàm thoại, vì như thế viết mãi trang này đến tràng khác vẫn không xong. Như cuốn lịch treo tường có 12 tờ, chỉ cần xem tờ tháng giêng, thấy ngày đầu năm (1/1) là thứ ba, kế tiếp lật xuống tờ tháng 12, ngày cuối năm (31/12) lá thứ tư, ta hiểu ngày nay đây năm nhuận, rồi dễ dàng suy luận ra là năm chẵn, và những diễn biến chung quanh. Cũng vậy, lướt qua một vài nét chấm phá có thể hình dung thật nhiều về bác. Hiện tại viết lách đối với bác là một phần tất yếu cuộc sống. Giữa cuộc đời bao chông gai thử thách, muốn mang niềm vui nho nhỏ đến mọi người, dường như bác có khả năng này. Khi xưa còn đi học, dẫu thích viết nhưng vẫn được khích lệ học hành ưu tiên trên hết. Rất nhiều lần bác thấy mình trẻ trung lại và đang đi học, rồi băn khoăn sực nhớ đã trải qua những trường lớp này rồi: thức giấc mới biết ngủ mơ. Sau cuộc sống thường nhật bác có sở thích ngồi vào máy. Bây giờ không còn bận học với những mùa thi cử căng thẳng. Con cái bác có cửa nhà hết rồi (ý muốn nói đã lập gia đình). Đúng lúc này khi đang nhẹ nhàng gõ lên bàn phím, ngồi sát bên bác là cô cháu ngoại xinh xắn tuổi ấu thơ, thích sống cạnh ngoại những khi ba mẹ vắng nhà...
April, 30, 2008
Đức Yên

11 tháng 4, 2008

Biệt Ly


Bài xã luận
Biệt Ly
Net đến VN năm 97, thập niên đầu của thế kỷ 21 là sự phát triển bùng nổ công nghệ này. Ở hai đầu địa cầu cách xa vạn dặm, hàng chục ngàn hải lý, mọi thông tin đều có thể diễn đạt cặn kẽ, quãng diễn rộng sâu từng chi tiết một, mức độ nhanh nhạy đến trong chớp mắt, phương tiện liên lạc sẵn sàng mọi nơi mọi lúc liên lạc liên miên nên không còn khái niệm ly biệt. Trước đây có thời gian dài nhiều cuộc biệt ly: bên Đức chia cắt đông tây, Triều Tiên bắc nam đứt đoạn giống VN trước đây. Hồi 75 nhiều cuộc chia ly đột ngột vội vã đến không kịp một lời từ giã. Thời gian dài nhiều người cùng gia đình khát khao đến cháy lòng được một lần gặp gỡ, ước mong dải ngân hà làm cầu Ô Thước kết nối Ngưu Lang Chức Nữ: từ Nữu Ước Hoa Thịnh Đốn về hội ngộ cùng Sàigòn Hànội. Quãng vài chục năm dài ròng rã rồi phép lạ nhiệm mầu xảy ra như chuyện thần thoại. Các hãng hàng không là cầu nối đua nhau chở bà con từ hải ngoại xa xôi về thăm thân nhân, mừng mừng tủi tủi tay bắt mặt mừng, người trong gia đình lại cùng sống chung với nhau dưới một mái nhà hàng tháng ròng. Như con mưa dầm chờ mong sau bao ngày nắng hạn, không chỉ một mà nhiều chuyến gặp gỡ làm dịu mát nỗi niềm, ấm áp tình cảm, những năm qua bao người đã thỏa lòng mong ước.
Nhưng không phải ai cũng đạt được niềm hạnh phúc lớn lao nầy, cá biệt một số trường hợp... Sau năm 45, ông nọ học tập cải tạo xa nhà lâu năm, tiếp đến năm 54 vợ và các con di cư còn ông kẹt lại miền bắc: Năm 75 ông vô nam tìm thì gia đình đã di tản ra nước ngoài. Mấy chục năm sau hoàn cảnh đổi khác trong chiều hướng tốt đẹp hơn, vợ con quay về VN kiếm và tìm cách rước ông quá thì tiếc thay, ông đã mất cách đó không lâu. Khi còn sống, ông biệt ly người thân 50 năm: đây cũng là khoảng thời gian tương đương các gia đình bên Triều Tiên, thập niên 50 chia cắt nước này thành hai miền nam bắc giống VN vậy, nhưng VN có duyên hơn là chỉ 20 năm sau hai miền lại trùng phùng hội ngộ. Gần đây các phương tiện truyền thống vẫn nói hoài hoàn cảnh những người ruột thịt, cùng gia đình cùng huyết thống bên Cao Ly, hơn nữa thế kỷ qua chưa thỏa nguyện. Chia tay hồi còn trẻ hoặc thơ ấu, nguyện vọng của những người cao tuổi này là trước khi xuôi tay nhắm mắt được một lần gặp lại nhưng xem ra khó khăn quá chừng...
Những cuộc biệt ly trên đây xảy ra do hoàn cảnh lịch sử của các dân tộc. Song thế gian lại có muôn cuộc chia xa không do lịch sử. Nhiều hoàn cảnh éo le lạc mất nhau dài lâu thực sự ngoài đời đã được chuyển thể đưa vào các lãnh vực nghệ thuật như màn bạc, thơ văn nhạc kịch... Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau chia ly. Không có niềm vui nào như niềm vui đoàn viên. Đây là thông điệp của chương trình nhân đạo xoay quanh chủ đề Chia Ly, có cả ủy ban tìm kiếm phối hợp cùng các ngành khác. Những cuộc đoàn tụ được trình chiếu trực tiếp trên màn ảnh nhỏ làm xúc động hàng triệu con tim, biết bao người thổn thức rơi lệ... (Xem lại chi tiết qua
http://www.timnguoithan.vn/)
***
Những điều trên đây to tát quá, hoành tráng quá, là việc đại sự quốc gia, vang dội toàn đất nước và lan tỏa khắp thế giới khi được trình chiếu trên VTV4, kênh truyền hình hướng về hải ngoại.
Trong hoạt động xã hội nhỏ bé của mình, DY biết một số trường hợp quanh đây, các em còn ít tuổi, không phải thất lạc mà cố tình đi lạc, lang thang bụi đời... Với khả năng và phương tiện truyền thống khiêm tốn, DY cùng những người khác phối hợp dò hỏi liên lạc tìm kiếm rồi khuyến dụ được một số em quay về. Các em còn nhỏ dại, cạn nghĩ, chưa đủ ý thức. Có em khi về đoàn tụ gia đình xong, nghĩ thật thương mà cũng đáng giận nữa, em vẫn chưa biết chữ dù đã bước sang tuổi 14. Lại phải tìm cách đưa em đến trường...
Đức Yên, April.11.2008

9 tháng 4, 2008

Gia Mộ...

...Vấn đề trăm tuổi là việc nghĩ đến hàng ngày. Quay lại nhìn lớp 20 trẻ trung mạnh khỏe, chúng ta nhớ trước đây từng trải qua giai đoạn vậy. Ngày xa xưa gặp buổi nhiễu nhương loạn lạc, ước mong tránh được làn tên mũi đạn, an bình đến nay, cuộc đời trôi hoài chúng ta dần bước sang tuổi già. Tám chín mươi ọp ẹp quả điều không ai muốn, sống hơn phân nửa con số một trăm được gọi "cây cao bóng cả" rồi nghĩ chuyện về sau là vừa. Đâu đây vẫn ai đó mong sống thiên thu mãi mãi, cuộc đời chắc tươi đẹp nhiều, còn đa phần gần xa đều nghĩ chuyện mai sau.
Trước kia hỏa táng là điều dễ sợ lắm, thật khó nghĩ, khó lòng chấp nhận. Dần dà nhận thức khác đi nhiều người thay đổi não trạng. Chết đằng nào cũng là mất rồi, không còn tồn tại trên cuộc đời nầy, (mặc dầu nhiều người vẫn luôn sống, luôn hiện diện trong tâm tưởng người ở lại, thiết tha, mãnh liệt). Tử cất tồn còn: chết xong an táng điều tự nhiên, bên cạnh đó hỏa táng vẫn có điểm tích cực: nhanh gọn sạch sẽ, không trải qua những giai đoạn phân hủy dài lâu, không tốn đất để làm phần mộ v.v... Tro bỏ vào hũ gọn gàng, cất đặt nơi thích hợp. (Có điều hỏa táng không còn hài cốt để làm xương thánh, trong trường hợp sau này được phong lên bậc hiển thánh!)Ở Mỹ qua đời, an táng mộ phần xong là 7 ngàn, tấm bia 5 ngàn (khó hiểu sao bia lại có giá này): trước sau khoảng 15 ngàn. Vị chức sắc, danh giá như cha Chỉnh là 30, bà con bên đó về cho biết rõ ràng như vậy.
Vẫn nợ em Hoàng một điều: em muốn bác viết để post lên báo điện tử. Khi nào bác nói chút ít về Châu Sơn đi. Nhân đây vắn tắt kể em và mọi người cùng nghe chuyện nghĩa trang. Không còn là nơi u ám buồn bã cô quạnh thê lương nữa, nghĩa trang Châu Sơn giờ đây được sửa sang, xây cất khang trang với vườn hoa và tiểu công trình nghệ thuật nom giống công viên hơn là nơi an nghỉ. Hệ thống điện nước đèn chiếu sáng đều khắp. Giao nguyên đoàn thanh niên tráng niên chuyên trách coi sóc, họ luôn làm sẵn một số kim tĩnh (phần xây dưới đất), trong xứ hễ ai qua đời đương nhiên có phần mộ. Không riêng lễ linh hồn, khoảng vài ba tháng lựa lúc trời chiều nắng đẹp các cha hay đến đây dâng lễ, quy tụ được hầu hết bà con trong xứ, nô nức như ngày hội, hương hoa liên miên người đến viếng.
Học sinh cùng lớp mặc đồng phục gọn gàng trang nhã nom vẫn đều và đẹp hơn người giản dị, kẻ lại diện lòe loẹt. Nghĩa trang cũng vậy. Thiết kế ngay hàng thẳng lối, mỗi phần mộ dài 2m + rộng 60cm + cao 60cm đều răm rắp ngăn nắp gọn gàng. Trước kia tô xi măng, sau này ai nấy đều sửa sang tu bổ, xây lại ốp lát gạch men, kích thước được tôn trọng là điều căn bản, không cao lên hoặc rộng dài hơn quy định. Có những mộ được xây giữa thế kỷ 20, trước quy hoạch rất lâu, hoành tráng lô nhô cao thấp, chiếm nhiều diện tích chung quanh lẫn không gian bên trên. Được xứ khích lệ làm lại đồng đều với mọi người, bà con phấn khởi hưởng ứng nên vẻ mỹ quan càng được điểm tô. Từ ngoài nhìn vào toàn cảnh thật thanh thoát.



Không xa khu dân cư nhiều, vị trí đẹp, thuận tiện, gần gũi, nghĩa trang nằm phía sau nhà thờ... Nửa thế kỷ qua chôn hết phân nửa diện tích rồi. Khi mới lập nghĩa trang xứ chưa quy cũ, khá lộn xộn nhất là vùng mộ trẻ em rải rác đó đây, để quy tập lại, xứ tổ chức làm gia mộ. Xây hai dãy giống hai bức tường sát bờ rào ngay bên cổng ra vào, để tiết kiệm đất, là tiểu công trình nghệ thuật, sau khi đổ móng, GIA MỘ được xây cao lên 2m, dài 10m, chiều rộng 80cm, chứa được 360 chỗ. Nếu chưa hiểu rõ, hay mường tượng thêm đây là chiếc tủ dài rộng, được phân chia nhiều ô nhỏ như ô thuốc bắc... Chôn cất lâu năm khi đào lên xương cốt rã rời tách ra hết, người ta dễ dàng sắp xếp bộ hài cốt gọn gàng vào tiểu nhỏ, kích thước giống hệt nhau, rồi cải táng vào các "ô thuốc bắc" đó. Thân nhân mỗi mộ phần và xứ cùng đóng góp xây dựng thật đẹp: phía trên gia mộ là mái ngói uốn cong chạm trổ mỹ thuật nom giống cung đình Huế, lại giống chuồng nuôi chim bồ câu vậy. (Bồ câu là loài kén chọn, tổ có đẹp chúng mới chịu vào.) Cải táng vào gia mộ được sánh với lên ở nhà lầu, cao ráo, sang trọng hơn nằm đất.

Phải hết lòng khen ngợi người đầu tiên có được sáng kiến này: nghe đâu phỏng theo mô hình các nơi làm trước đó.


Giờ phút này gia mộ là 2 bức tường nằm 2 bên cổng chính nghĩa trang, mỗi bức dài 10 mét, rộng 80 centimet, xây cao 2 mét: 2 gia mộ cải táng được đến 360 hài cốt. Hiện còn rất nhiều "ô thuốc bắc" đang bỏ trống chưa dùng đến.

Khoảng dăm bảy chục năm hay cuối thế kỷ này, chúng ta những người còn sống hôm nay, hẳn đã mất nhiều năm, lại được đời cháu chắt xây thêm gia mộ khác để cất vào, lấy chỗ chôn cất những người kế tiếp. Đây là việc của thế hệ sau, chúng ta chỉ nghĩ vậy thôi.

Thứ tư 9/4/2008
Đức Yên

2 tháng 4, 2008

Hè Quê Ngoại…


Mang tiếng sống chung một dải đất lại cùng ở miền Tây: Tây nguyên Tây nam, nhưng thật họa hoằn mới sang bên An Giang. Sàigòn là trung tâm điểm, ngược lên Daklak 300 cây, quãng đường tương tự vậy xuôi về thị xã Châu Đốc. Có người thân quen một thời xa xưa ở đó, cuộc sống bộn bề, liên miên trong tâm khảm vẫn nhớ miền quê xa vời vợi này. "Hè Quê Ngoại" là dịp tận mặt thấy vùng biên cương với đoàn làm phim thực hiện tác phẩm điện ảnh cùng tên.
Theo bước chân Trúc cháu ngoại ông Tám về thăm thị xã Châu Đốc. Từ bến xe miền tây, Sàigòn xuống An Giang đường nhựa dài vun vút đi qua chiếc cầu hiện đại nhất nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long. Long Xuyên thành phố tỉnh An Giang. Châu Đốc miền quê sông nước, nhà cậu Năm cách chợ không xa, cậu đãi món cá lóc nướng trui, dọn trong mấy tàu lá chuối rửa sạch, ngồi bệt xuống đất chấm muối ớt thưởng thức ngon lành. Nếu khát đã có nước mưa chứa trong lu, múc bằng gáo dừa.
Nơi đây gặp Siêng là cậu bé mồ côi hiếu học, ngày ngày ngoài giờ đến trường, cậu chăn bò cắt cỏ, vác hàng thuê đổi lấy bát cơm sách vở. Đêm đêm ngủ chòi ngoài đồng, lấy rơm ủ ấm thay chăn mền. Mỗi ngày đến trường cậu vượt qua cánh đồng vắng xa xa, lớp học mái tranh vách lá, thầy giáo bộ đội, học sinh lẫn lộn gồm cả người Kinh lẫn Khmer.
Khi rảnh Siêng dẫn Trúc đi câu cá ngoài ao hồ, cần câu mượn của ông già Miên quê mùa tốt bụng. Mồi là trứng kiến trắng trong béo ngậy bắt sẵn để trong ống lon. Mỗi lần cá cắn câu cả bọn rất vui. Vùng Đông Nam Á, không chỉ đàn ông Malaysia mặc váy, nam giới Khmer trùm khăn, bận xà rông tương tự vậy. Bơi lội xong, hai đứa về lại chòi tranh ông già Miên, ông đãi món khoai mì luộc nghiền nát, bánh tráng cuốn trộn rau sống lẫn mạch nha, mỡ hành nước mắm xào lên làm gia vị.
Dân miền Tây hào phóng hiếu khách, hễ ai đến hay đãi nhậu, cá là đặc sản, rồi bò hấp bò óc... Rất dân dã, tiệc thường chiêu đãi ngoài vườn hoặc ngồi bệt dưới đất trước thềm nhà.
Vùng Thất Sơn (Bảy Núi) nhiều rắn độc, hễ ai gặp nạn đều nhờ ông Sáu Trị ra tay cứu giúp. Ông Sáu có thuốc gia truyền hòa nhựa bông đắp lên: rượu thuốc bó vào vết thương, tụ máu bầm băng bó lành dần. Hổ đất là loài rắn độc, cắn từ mắt cá chân trở xuống. Thường khi hổ đất hiền lành nhưng ai vô tình dẫm phải nó trở nên hung dữ, liền phản ứng là cắn. Người ta cõng nạn nhân về để ngoài vườn, kỵ đưa vô nhà. Thuốc giã rít lại vết thương...
Lịch sử An Giang gắn liền với tên tuổi Nguyễn Văn Thoại, gốc Quảng Nam, nhiều thế kỷ trước xuống khai khẩn vùng Châu Đốc và Hà Tiên. Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh lớn ở vùng này, vợ là Châu thị Tế. Về sau để tưởng nhớ công ơn, người ta đặt tên kênh Vĩnh Tế. Chùa Tây An cạnh đó, hàng năm diễn ra Vía Bà, tham dự có cả người mình lẫn nước ngoài. Danh lam thắng cảnh vùng Bảy Núi. Bệ đã hành hương nghi ngút. Đền Bà Chúa Xứ lên khá nhiều bậc...
Theo con dốc thoai thoải đi xuống khoảng hai cây số có một chỗ bằng phẳng, bày hàng bán quán không khác gì chợ. Tịnh Biên là vùng biên giới: bên đây Châu Đốc bên kia Campuchia, ranh giới cách nhau bởi một hàng cây mỏng manh. Dọc theo đó có cây cầu biên giới, chợ biên giới. Dân Campuchia hẳn hào phóng vì một quả cam cũng đem chia (!?)... Campuchia còn gọi là Khmer hay Cao Miên, gọi tắt là Miên. Sang đất Miên, nhà sàn, xà rông, khăn trùm đầu là hình ảnh đặc trưng dễ bắt gặp nhất. Gặp nhau, họ chắp tay vái sâu đầu cúi chào. Đạo Phật phát triển. Vùng biên cương nổi tiếng có Chùa Hang. Sư sãi Campuchia và những ngôi chùa Khmer cổ kính. Con trai Miên tuổi thiếu niên bắt buộc phải đi tu chùa 3 năm, sau đó tiếp tục hay không tùy ý. Châu Đốc và vùng biên giới điển hinh nhất có cây thốt nốt, dùng làm nước giải khát hoặc nấu đường. Những lồng bè nuôi cá điêu hồng, cất nhà ngay trên vùng sông nước, muốn đến đó phải dùng xuồng. Trẻ em nơi đây giỏi bơi lội, câu cá, bắt cua, tưới khoai, chèo xuồng...
Đức Yên, April, 2nd, 2008

NGÀY VỀ CHÂU ĐỐC


Rồi qua đi mùa hè êm đềm đầy kỷ niệm. Đi dọc suốt chiều dài đất nước từ bắc chí nam, ta thăm được nhiều vùng khác nhau của quê hương,nơi sinh ra, lớn lên, đang sống và học hành của các tầng lớp sinh viên, với tập tục, giọng nói, thổ nhưỡng địa lý tuy khác nhau nhưng cùng chung sống dưới một vòm trời Việt Nam. Các học sinh giỏi giang tiêu biểu năm nào nầy bước vào giảng đường đại học với nhiều mộng ước tương lai.
NGÀY VỀ CHÂU ĐỐC
Xe đến An Giang từ sáng sớm. Châu Đốc là một thị xã biên giới, với ngã ba sông rất đẹp. Nói chung các dòng sông chảy qua nam bộ hầu như hàng năm đều có mùa nước nổi, thường xuyên gây lụt lội đồng thời bồi đắp phù sa từ miệt đất này đến cánh đồng khác, cho vườn cây trái xum xuê, lúa vàng quả ngọt. An Giang là tỉnh đầu nguồn nước của sông Cửu Long từ Campuchia đổ về. Đường phố, nhà cửa ở đây tuy đều tường đúc nhưng vẫn mang vẻ một làng quê hơn là nơi chịu tác động của sự đô thị hóa. Qua khỏi thị xã vẫn còn đó những khu vườn bao quanh nhà. Châu Đốc nổi tiếng nhất là núi Sam, một ngọn núi nhỏ có hình con Sam nếu nhìn từ xa,chỉ cao vài trăm mét nhưng vào mùa xuân rợp màu lá xanh và khi hè đến, ngọn núi trở thành một vùng rực đỏ màu hoa phượng. Tại đây có lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ rất nổi tiếng, tổ chức vào trung tuần tháng tư âm, từng thu hút khách thập phương. Từ đỉnh núi Sam nhìn xuống phía dưới, ruộng đồng bao la bát ngát trải dài tới chân trời và con kênh Vĩnh Tế uốn mình mang nước dòng sông Hậu.
Sông còn là nơi họp chợ, bán mua trao đổi những thứ cần dùng cho cuộc sống thường nhật, đa phần mang về từ thành phố. Hàng ngày những chiếc thuyền tay, đò máy xuôi ngược trên sông chở ắp đầy rau cải, cây trái miệt vườn: mãng cầu, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, đu đủ, dứa... và đặc biệt là dừa. Giống như cây tre trên đất bắc, dừa có mặt khắp mọi nơi, đây là hình ảnh đặc trưng của miền Tây miền Nam nói chung. Dừa tỏa bóng mát, bên những sản phẩm đặc trưng như dầu, kẹo dừa... mọi thứ thô sơ từ cây dừa đều dùng được cả: xơ dừa làm đay, cói; vỏ dừa thường làm gáo hoặc cung cấp chất đốt. Lợp nhà rất mát, lá dừa đan chắn che chở con người khỏi nắng cháy mưa sa. Bên cạnh đó phải kể đến cây thốt nốt. Những hàng thốt nốt xanh rì từ đất mọc thẳng chĩa nhọn lên trời ra dáng người quân tử tương tự tùng bách tạo nên khung cảnh đẹp. Loài cây này còn cho vị ngọt độc đáo: đường thốt nốt, ngon lành không kém gì sản xuất từ mía hoặc củ cải đường.
Mỗi địa phương trong nước đều mang sản phẩm đặc trưng. Huế với chiếc nón bài thơ, kẹo mè xửng, Ninh Hòa có nem, Biên hòa: bưởi v.v... nhưng một lần đến Châu Đốc, An Giang dẫu nhiều cây trái đó, khi được mời ta vẫn ngỡ ngàng thưởng thức hương vị KHÔ CÁ MẮM THÁI mặn ngọt ngon cay nồng đặc biệt của Châu Đốc. Có thể nói không quá lời rằng, một khi đến ngã ba sông biên giới, ta mang về một ít mắm thái làm quà cũng là cuốn theo sản phẩm rất nổi danh của Châu Đốc vậy.
An Giang với Thất Sơn, Bảy Núi là tỉnh giáp ranh gần biên giới, nên sống chan hòa với đồng bào Khmer, và mang ít nhiều màu sắc, phong tục tập quán của đồng bào, cũng như ảnh hưởng về mặt tôn giáo. An Giang nổi tiếng với những ngôi chùa Khmer cổ kính lâu đời và các sư sãi, tín đồ sùng đạo. Bên cạnh đó, uy nghiêm không kém là các thánh đường hoành tráng của đạo Hồi. Đâu đây thấp thoáng các tín đồ Hồi Giáo trong trang phục màu trắng, đầu đội tròn chiếc khăn vòng cùng màu. Dân tứ xứ Châu Đốc mang nhiều tập tục riêng của mọi vùng đất nước. Nói chung người Châu Đốc dễ gần, dễ mến và con gái Châu Đốc rất xinh đẹp dễ thương. Thấp thoáng đó đây những cô gái Khmer với xà rông may bằng vải thổ cẩm rực rỡ, sặc sỡ, trên đầu đội chiếc bình đầy kiểu cách đi lấy nước.
Hoàng hôn về với ngã ba sông, mặt trời vàng đỏ tỏa chiếu những ánh màu rực rỡ trên ngọn nước lăn tăn làm sáng ấm cả chân trời. Ngày trôi qua thật nhanh. Buổi chiều tà du khách đắm mình trong bầu trời tuyệt đẹp vùng sông biên giới. Chiếc xe du lịch sang trọng của Saigon-Tourist xuất hiện làm nhiệm vụ nhận khách quay trở lại Thành Phố. Mọi người chia tay từ giã đầy lưu luyến. Chiếc xe lăn bánh, ai nầy còn ngoái cổ ngược lại nhìn như hẹn sẽ còn trở lại một dịp khác. Tiếng hát du dương ấm áp phát ra từ chiếc máy ghi âm cài trong xe làm mọi người thấy xao xuyến bồi hồi:
Dòng An Giang ai qua vẫn nhớ,

Dòng An Giang xanh xanh nước biếc.
Đây chiếc thuyền ai lắc lư
Đây mái chèo ai lướt qua
Lơ lửng vầng trăng vô tan...
…Duyên dáng chuyền tay dắt nhau
Mơ ước ngày mai thắm sâu!
Dòng An Giang xinh xinh khóm trúc
Dòng An Giang lơ thơ bến nước
Đây những người thôn nữ xinh...
HUY THUẬN (2002)