30 tháng 3, 2008

Trang Trại Mùa Xuân (2)


Bấm đốt ngón tay nhẩm tính, còn khoảng 4 đến 5 tuần mới đến tiết cốc vũ, đợt mưa đầu mùa hiếm hoi ai nấy đều mong đợi. Mưa xuống mát mẻ khí trời, cây cối lẫn lòng người. Trong khi chờ phải đi tưới, như mọi lần đầy đủ nước thỏa sức bơm suốt ngày đêm. Tháng tư giếng cạn hẳn, cung cấp khoảng một buổi là tốt, nên phải chờ nước ra mới tiếp tục được. Cùng chứng ấy diện tích, tưới lần sau dài thời gian hơn đợt trước.
Có lần bà con từ bên Mỹ về quê, trực tiếp gặp mặt nói chuyện, rồi hỏi thăm căn lều gỗ bên cạnh giếng. Ngạc nhiên hỏi lại tại sao biết, họ nói vì lều xuất hiện nhiều lần qua những bài viết. Mới sực nhớ ra, khi làm văn học nghệ thuật, DY hay thực hiện tại đó, nên đưa luôn lều vào diễn đàn không có gì khó hiểu. Hàng chục năm gắn bó như thế, DY vẫn nghĩ lều tồn tại dài lâu. Hai năm trước đang đêm bị trộm dỡ mất mái tôn, bây giờ lều nom hoang vắng một chút, mặc dầu vẫn hiện diện giữa vườn cây um tùm vàng xanh theo bốn mùa.
Bù lại vừa mọc lên một trại gà cách lều cũ khoảng mấy chục bước chân. (Gà thay cho ong, xem lại Trang Trại Mùa Xuân ở web ducyenlife). Nhà nước khich lệ tách xa khu chăn nuôi khỏi vùng dân cư nên người người ra đồng chặt một số cây cối, lấy đất lập trại chăn nuôi. Ba ngày một lần dọn chuồng trại, vấn đề của nuôi gà công nghiệp là ô nhiễm môi trường không tránh khỏi, ruồi nhiều và đôi khi xuất hiện ký sinh nhỏ li ti như hạt bụi, cắn đốt gây bịnh ngoài da. Dĩ nhiên có thuốc phòng trị bịnh cho người lẫn gà. Điểm tích cực là nơi hẻo lánh lại luôn có người ở. Trước kia đi làm, hễ quên gì là thiếu thứ đó, bây giờ ví dụ muốn lửa hoặc các thứ linh tính, có thể hỏi mượn ở trại gà, vốn trang bị những vật dụng cần thiết tối thiểu.
Với 1 sào (1000m2), bà con mình xây dựng nhà lều phủ kín hơn phân nửa diện tích nầy, lập chuồng chăn nuôi 4000 con gà (nơi khác có khi đến 10 ngàn). Ở đây tính toán cụ thể về 4 ngàn: làm nhà lều gồm tôn ván vật liệu hết khoảng 70 triệu, gà 90.000$/con, 4000= 360 triệu. Tiền thức ăn ban đầu cho gà + linh tinh: tất cả khoảng nửa tỷ. Vốn vay mượn hết chừng 4/5. Khá táo bạo. Kinh doanh làm ăn cần yếu tố may mắn nữa. Nhiều năm trước và hiện giờ vẫn hay xuất hiện dịch cúm gà làm tổn hại ngành chăn nuôi gia cầm.
Dạng gà công nghiệp siêu trứng, kiểu nuôi nom văn minh khoa học: hai dãy chuồng song song dài thênh thang đối mặt nhau với 3 tầng cao thấp, máng ăn, vòi nước được cung cấp từ bồn chứa đặt trên cao. (Người đầu tiên thiết kế mẫu sơ đồ này đáng được tuyên dương). Hậu cần là nhà ở thu nhỏ cho người chăn nuôi, với đầy vật dụng tối thiểu cần thiết . Ở chết dí tại đây không rời nên mang luôn tivi giải trí, để khi nghỉ ngơi thấy thời gian bớt dài ra. Điện lưới sáng trưng nom như thị trấn giữa đồng không mông quạnh vậy.
Dậy từ mờ sớm cho gà ăn, sáng chiều ngày 2 lần. Sang thì cho ăn đêm nữa để gà được khỏe sức. Quãng 11 giờ trưa gà đẻ xong hết thảy, đâu gần 4 ngàn quả (vì có một số không đẻ), đi lượm trứng mệt nghỉ. Lắp vào mỗi vĩ 30 quả, một cây trứng 10 vỉ, xếp đống rồi một vài ngày sau đại lý sẽ đến thu gom, chở bẳng xe nhỏ, sau đó sang xe tải lớn chuyển về thành phố và xuất đi các tỉnh. Phối hợp đều đàn nhịp nhàng, nếu ách tắc công việc bị dồn đống đình trệ. Tiền bán trứng dùng để mua lại thức ăn hỗn hợp cho gà. Đại lý làm cả hai việc này. Xoay vòng liên hồi.Chế biến từ khu công nghiệp Đồng Nai hoặc Bình Dương, mỗi bao thức ăn đóng sẵn 25kg, chở tận chuồng trại giá hiện tại là 180 ngàn/ 1bao. 4000 con gà mỗi ngày ăn hết khoảng 16 bao. Trứng dao động trên dưới 1000$/ 1quả. Nếu giá trứng cao lên, tỷ lệ gà đẻ cao (cỡ 90%) sẽ có lãi và ngược lại.
Ấp máy công nghiệp hàng loạt, gà mái nở ra, úm 9 tuần lễ sẽ mua về nuôi, khoảng 20 ngày sau là đẻ. Lúc này "gà con gái" đang độ xuân sắc mơn mởn mượt mà dễ nhìn. Khoảng năm sau trở thành "gà mái già", tiều tụy, ủ rũ lại ít đẻ, người ta bèn đào thải, bán thịt rồi nuôi lứa khác.
Mỗi khi chờ nước, chưa tưới được vẫn không về nhà vì bận ở lại trong nom đồ đạc. Dynamo phát điện nặng trên 1 tạ, mô tơ bơm nước nằm sâu dưới giếng, không khéo trộm xơi đi mất, mọi người đều biết vậy nên cảnh giác. Đây là dịp qua đêm tại vườn cây, thỉnh thoảng mới ở lại xem sinh hoạt nuôi gà. Quan sát rồi lên vi tính thực hiện bài vở...
***
Phụ trách trại gà là anh thanh niên tuổi 25 (Y.83), cao 1m70, nặng ngoài 50kg, cao lớn vẻ thư sinh. Tên anh là Cường. (Cường nói trước đây có lần một mình phục vụ 5000 con gà. Nuôi chuyên nghiệp, dĩ nhiên nếu có người phụ giúp sẽ đỡ đần hơn, vì phải luôn tay luôn chân.)
Mô tả anh Cường như trên, rồi nhớ hôm tết anh Minh Hoàng nói chuyện ba mẹ đang nuôi gà tại nhà bên thị trấn Buôn Hồ, Daklak, lúc ấy là 2000 con. Tiếp xúc với cả 2 người rồi nên DY biết, Cường và Minh Hiệp có thân hình và tuổi tác giống hệt nhau, nếu có Hiệp chỉ nuôi gà chơi và cho gà ăn giúp gia đình một hai hôm tết, bây giờ Hiệp là giảng viên Đại Học Bách Khoa, trường nổi tiếng nhất VN nói chung, Sàigòn nói riêng. Tốt nghiệp Bách Khoa 22,5 tuổi (vi chương trình cử nhân 4 năm rưỡi). Thời gian sau đó là cao hoc, rồi sẽ trở thành giáo sư trẻ. Hôm trước Minh Hiệp gửi tin nhắn qua di động (hết 10 thì đến 9 là English sms): "Thank you Duc Yen Uncle for your sms. I am fine now and always in hard working. How about your writing? Hope always to be continued and enjoyed" Ý Hiệp muốn hỏi việc viết lách của bác ra sao? Hy vọng vẫn được tiếp tục và yêu thích...
Bác đã soạn tin lại: "Bonjour Professeur, Je suis entrain d'ecrire beaucoup d'oevres..." nhưng không gửi, chờ dip sẽ viết bài tặng Hiệp, không bao lâu nữa là sinh nhật 25 Minh Hiệp, ngày 22-6. Thời gian qua bác bận một số việc không tên, có khi làm nguyên website chỉ dành cho một vài người. Đi tưới, bác đến trại gà, nhận ra dáng dấp Minh Hiệp đâu đây, nên thực hiện sớm nhất khi có thể. Hình như bác cầm bút nhiều hơn cầm vòi tưới nước thì phải(!). Bác hết sức hãnh diện về Minh Hiệp, young professor, giáo sư trẻ nói riêng, lớp trẻ tuổi VN nói chung. Tình cờ qua bác nhiều người được biết Hiệp, họ rất ngưỡng mộ và thán phục, chân thành đấy... Nếu viết tặng Hiệp thì chỉ mình Hiệp đọc? Ồ, không phải vậy đâu, bác kể chuyện gà siêu trứng vì nhà Hiệp, Hoàng cũng có trại gà, để mọi người hình dung một chút cách nuôi gà công nghiệp, cài cắm vào đây giới thiệu cách riêng hình ảnh Hiệp, bác post vào hoamitocnau292 ai cũng có thể vào xem, vậy là vui rồi.
Không xa xôi, bác lấy đề tài quanh đây, chân chất, mộc mạc... Ngắn gọn vậy thôi, bác dành chút ít để trả lời thăm hỏi của Hiệp: How about your writing? Hai phương trời xa cách, không hiểu sao đến trại gà bác lại chợt nhớ Minh Hiệp, giáo sư hóa ĐH Bách Khoa trẻ trung tuổi 25.


Đức Yên, March.30.2008