2 tháng 4, 2008

NGÀY VỀ CHÂU ĐỐC


Rồi qua đi mùa hè êm đềm đầy kỷ niệm. Đi dọc suốt chiều dài đất nước từ bắc chí nam, ta thăm được nhiều vùng khác nhau của quê hương,nơi sinh ra, lớn lên, đang sống và học hành của các tầng lớp sinh viên, với tập tục, giọng nói, thổ nhưỡng địa lý tuy khác nhau nhưng cùng chung sống dưới một vòm trời Việt Nam. Các học sinh giỏi giang tiêu biểu năm nào nầy bước vào giảng đường đại học với nhiều mộng ước tương lai.
NGÀY VỀ CHÂU ĐỐC
Xe đến An Giang từ sáng sớm. Châu Đốc là một thị xã biên giới, với ngã ba sông rất đẹp. Nói chung các dòng sông chảy qua nam bộ hầu như hàng năm đều có mùa nước nổi, thường xuyên gây lụt lội đồng thời bồi đắp phù sa từ miệt đất này đến cánh đồng khác, cho vườn cây trái xum xuê, lúa vàng quả ngọt. An Giang là tỉnh đầu nguồn nước của sông Cửu Long từ Campuchia đổ về. Đường phố, nhà cửa ở đây tuy đều tường đúc nhưng vẫn mang vẻ một làng quê hơn là nơi chịu tác động của sự đô thị hóa. Qua khỏi thị xã vẫn còn đó những khu vườn bao quanh nhà. Châu Đốc nổi tiếng nhất là núi Sam, một ngọn núi nhỏ có hình con Sam nếu nhìn từ xa,chỉ cao vài trăm mét nhưng vào mùa xuân rợp màu lá xanh và khi hè đến, ngọn núi trở thành một vùng rực đỏ màu hoa phượng. Tại đây có lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ rất nổi tiếng, tổ chức vào trung tuần tháng tư âm, từng thu hút khách thập phương. Từ đỉnh núi Sam nhìn xuống phía dưới, ruộng đồng bao la bát ngát trải dài tới chân trời và con kênh Vĩnh Tế uốn mình mang nước dòng sông Hậu.
Sông còn là nơi họp chợ, bán mua trao đổi những thứ cần dùng cho cuộc sống thường nhật, đa phần mang về từ thành phố. Hàng ngày những chiếc thuyền tay, đò máy xuôi ngược trên sông chở ắp đầy rau cải, cây trái miệt vườn: mãng cầu, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, đu đủ, dứa... và đặc biệt là dừa. Giống như cây tre trên đất bắc, dừa có mặt khắp mọi nơi, đây là hình ảnh đặc trưng của miền Tây miền Nam nói chung. Dừa tỏa bóng mát, bên những sản phẩm đặc trưng như dầu, kẹo dừa... mọi thứ thô sơ từ cây dừa đều dùng được cả: xơ dừa làm đay, cói; vỏ dừa thường làm gáo hoặc cung cấp chất đốt. Lợp nhà rất mát, lá dừa đan chắn che chở con người khỏi nắng cháy mưa sa. Bên cạnh đó phải kể đến cây thốt nốt. Những hàng thốt nốt xanh rì từ đất mọc thẳng chĩa nhọn lên trời ra dáng người quân tử tương tự tùng bách tạo nên khung cảnh đẹp. Loài cây này còn cho vị ngọt độc đáo: đường thốt nốt, ngon lành không kém gì sản xuất từ mía hoặc củ cải đường.
Mỗi địa phương trong nước đều mang sản phẩm đặc trưng. Huế với chiếc nón bài thơ, kẹo mè xửng, Ninh Hòa có nem, Biên hòa: bưởi v.v... nhưng một lần đến Châu Đốc, An Giang dẫu nhiều cây trái đó, khi được mời ta vẫn ngỡ ngàng thưởng thức hương vị KHÔ CÁ MẮM THÁI mặn ngọt ngon cay nồng đặc biệt của Châu Đốc. Có thể nói không quá lời rằng, một khi đến ngã ba sông biên giới, ta mang về một ít mắm thái làm quà cũng là cuốn theo sản phẩm rất nổi danh của Châu Đốc vậy.
An Giang với Thất Sơn, Bảy Núi là tỉnh giáp ranh gần biên giới, nên sống chan hòa với đồng bào Khmer, và mang ít nhiều màu sắc, phong tục tập quán của đồng bào, cũng như ảnh hưởng về mặt tôn giáo. An Giang nổi tiếng với những ngôi chùa Khmer cổ kính lâu đời và các sư sãi, tín đồ sùng đạo. Bên cạnh đó, uy nghiêm không kém là các thánh đường hoành tráng của đạo Hồi. Đâu đây thấp thoáng các tín đồ Hồi Giáo trong trang phục màu trắng, đầu đội tròn chiếc khăn vòng cùng màu. Dân tứ xứ Châu Đốc mang nhiều tập tục riêng của mọi vùng đất nước. Nói chung người Châu Đốc dễ gần, dễ mến và con gái Châu Đốc rất xinh đẹp dễ thương. Thấp thoáng đó đây những cô gái Khmer với xà rông may bằng vải thổ cẩm rực rỡ, sặc sỡ, trên đầu đội chiếc bình đầy kiểu cách đi lấy nước.
Hoàng hôn về với ngã ba sông, mặt trời vàng đỏ tỏa chiếu những ánh màu rực rỡ trên ngọn nước lăn tăn làm sáng ấm cả chân trời. Ngày trôi qua thật nhanh. Buổi chiều tà du khách đắm mình trong bầu trời tuyệt đẹp vùng sông biên giới. Chiếc xe du lịch sang trọng của Saigon-Tourist xuất hiện làm nhiệm vụ nhận khách quay trở lại Thành Phố. Mọi người chia tay từ giã đầy lưu luyến. Chiếc xe lăn bánh, ai nầy còn ngoái cổ ngược lại nhìn như hẹn sẽ còn trở lại một dịp khác. Tiếng hát du dương ấm áp phát ra từ chiếc máy ghi âm cài trong xe làm mọi người thấy xao xuyến bồi hồi:
Dòng An Giang ai qua vẫn nhớ,

Dòng An Giang xanh xanh nước biếc.
Đây chiếc thuyền ai lắc lư
Đây mái chèo ai lướt qua
Lơ lửng vầng trăng vô tan...
…Duyên dáng chuyền tay dắt nhau
Mơ ước ngày mai thắm sâu!
Dòng An Giang xinh xinh khóm trúc
Dòng An Giang lơ thơ bến nước
Đây những người thôn nữ xinh...
HUY THUẬN (2002)

Không có nhận xét nào: