29 tháng 4, 2008

SAMSUNG B100...


Khi xưa phương tiện liên lạc còn mới mẻ, xài di động phải là đại gia hay nhân vật quan trọng, ta sực nhớ điều này khi vừa rồi nhà đài điểm lại tình hình mươi năm trước: phí hòa mạng 2 triệu đồng, thuê bao hàng tháng 200 ngàn, cuộc mỗi phút gọi từ 2500 đến 3000, nếu chưa đủ thời gian cũng tính tròn phút tròn giây. Bây giờ khác hẳn: từ công nhân viên chức, trẻ em nhỏ tuổi còn đi học đến người buôn thúng bán bưng, ai ai cũng có thể di động cầm tay. Xài nhiều, gọi nhiều lạm phát đến độ không cần cũng gọi. Hết rồi cảnh độc quyền, các hãng tăng tốc trên đường đua siêu khuyến mãi, bán hàng đại hạ giá. Sinh hoạt cuộc sống ngày càng đắt đỏ, riêng lãnh vực viễn thông theo chiều hướng ngược lại. Công nghệ phát triển, cũng như máy tính và các phương tiện khác, điện thoại đời càng sau càng hiện đại hơn đời trước.
Dùng máy tính và di động khá sớm sủa, hai thứ này giúp bác được nhiều việc. Vừa qua hãng khuyến mãi bác một chiếc di động Samsung B100 mới cáu cạnh, hữu nghị vừa bán vừa biếu, cài cắm trong đó là thẻ sim với số tiền khá. Thật sự tổng giá trị không quá khổng lồ đâu, bình thường ai cũng sắm được, nhưng mang lại cho bác nho nhỏ một niềm vui.
...Các hãng khôn lắm. Ví dụ đúng thời điểm này mua sim 70 ngàn, họ khuyến mãi gấp 2,5 đến 3 lần, được khoảng 180 hoặc hơn chút đỉnh. Thời gian sử dụng 5 hoặc 6 tháng tùy hãng. Khuyến mãi chiếc di động, rồi tặng sim với tài khoản kha khá, khi kích hoạt mới hay thời gian sử dụng bị rút ngắn lại tương ứng. Tiền ít, thời gian dài, tiền nhiều, thời gian ngắn cho phù hợp (???) Nếu hai thứ này tỷ lệ thuận sẽ hay biết bao, nhưng "ý bề trên" đã định vậy rồi, đành phải tùy cơ ứng biến thôi.
Nhắn tin không thể hết tiền trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Người ta kể chuyện một cô bé bên Florida, mỗi tháng gởi đến 8000 tin nhắn di động. Không hiểu tính toán ra sao, họ nhẩm thấy cứ trung bình mỗi 5 phút cô bé lại gửi đi một tin. Wow... Thật tài năng. Dù là chuyên viên bấm phím bác cũng không gởi nổi trăm tin nhắn mỗi tháng, huống hồ 8000. Gọi thân nhân lâu nay vẫn dùng máy cũ. Có điện thoại mới, với tiền khuyến mãi trong sim khá nhiều, thời gian dùng tương đối ngắn, nếu không hết có khi mất luôn, xài nhiều năm kinh nghiệm rồi. Vỏ quýt dày móng tay nhọn, bác quyết định biến điều nghiệt ngã này thành việc hữu ích tuyệt vời: quyết định gọi các nơi, bác lên danh sách những người gần xa cũ mới, nhiều số biết sẵn, còn lại hỏi 108 hoặc qua người này người khác. Kèm đó là cả câu chuyện dài...
Nữ sĩ Mình Quân nổi danh từ thập niên 60 thế kỷ trước, gần 40 năm liên lạc qua lại, bác có lắm kỷ niệm và học hỏi được nhiều ở nhà văn này. Khi gọi tới, nhấc máy là cậu thanh niên cháu ngoại bà, bác nhận biết vì cậu reo lên: bà ngoại à, bà ngoại có điện thoại nè. Chắc là con của Nguyện: nhẩm tính, giờ nầy cậu đã tốt nghiệp đại học....
Qua giọng nói, bác hiểu nhà văn Minh Quân nay già yếu, 80 rồi, bà nói: chị không khoẻ nhiều. Với nữ sĩ, bác muốn trò chuyện thoải mái một chút về thời gian dài ngót 40 năm qua. Bà là mẫu mực và niềm mơ ước của bác một thời tuổi trẻ. Hiện bác hoạt động sôi nổi giống bà mấy thập niên trước, có lẽ hăng hái thời gian dài, sau này rồi cũng đến lúc bác sẽ như bà hiện tại.
Có ai gọi hoặc gửi email đến, bác hiếm khi hỏi sao biết số hoặc địa chỉ, vì hiểu ngầm họ hỏi thăm qua nơi nầy nơi khác. Bác cũng vậy. Nô nức gọi nhưng phải căn đúng thời điểm, đêm khuya hay giờ hành chánh, lúc nghỉ trưa v.v... cần tránh, thuộc văn hóa giao tiếp. Như người khách từ xa đến, muốn lại thăm nhà trong khoảnh khắc ngắn ngủi, lựa lúc thuận tiện nhất...
Khác với email là gửi rồi nhận sau cũng được, thật khó biết lúc nào thích hợp để gọi cho đầu dây bên kia. Buổi tối bác hay ngồi nơi bàn làm việc, khoảng 9 giờ bác gọi Hiệp Hoàng, đinh ninh họ cũng vậy nhưng cả 2 cậu đang ngồi trên xe trở về nhà từ sở làm hoặc Giảng Đường Cao Học. Bác nhận ra vì đâu đây tiếng xe ngừng gấp rút, tiếng máy nổ lao xao và 2 cậu đều cho biết đang trên đường về. Tình cờ qua di động được biết 2 cậu vất vả đêm hôm.
Thôi đành chuyển qua sáng sớm vậy, lúc ai nấy còn ở nhà chưa đi làm có lẽ hay nhất, lại tranh thủ giờ thấp điểm, khoảng 6-7h sáng được giảm cước, nhất là gọi nội mạng. Không sớm hơn trước đó vì chắc có người còn ngủ. Vậy 6h trời sáng rõ bác gọi thành phố. Thật đúng thành phố còn ngái ngủ, hẹn gặp lại sau, bác tranh thủ gọi những nơi khác, kết quả tốt.
Sắp 7h gọi lại, thành phố vẫn nửa ngủ nửa thức, hỏi có chuyện gì không bác? Bác nói không có gì, thôi thành phố ngủ tiếp đi...
Vào nam không được thì ra bắc, gọi đến phôn bàn các bậc trên trước không ai nhấc máy, đành gọi vào di động cháu Nguyễn Thái Chung rồi nhờ chuyển lời lại. Chú Bình đi Nhật vẫn chưa về. Quê hương hiển hiện trong ký ức, đây là vùng bác hay nhớ. Mỗi lần gọi như một lần về thăm...
Trương Viết Tri ồ lên mừng rỡ khi gặp lại bác qua điện thoại. Khá lâu rồi còn gi. Tri nay học Bách Khoa Đà Nẵng. Em nói khi nào bác lăng xê cho con một bài nhé? Bác hỏi chuyện tiếp nhưng di động em dùng chắc có vấn đề, không nghe rõ dù bác nói lớn. Em cho email để bác liên lạc sau. Bác nhắc lại câu hôm trước em nghe không rõ: Tri này cao lớn thêm được chút nào không, hay vẫn bé hạt tiêu như năm nào?
Thuộc lãnh vực báo chí truyền thanh, sau khi tốt nghiệp đại học làm việc đúng ngành nghề, anh Công Hân là thanh niên trẻ trung năng nổ không ngại khó, làm việc cả vào ngày nghỉ lễ, đêm hôm khuya khoắt. Lại không muốn xuất hiện để nhiều người biết mặt, nên anh chọn lãnh vực truyền thanh. Bác thật lòng khen ngợi về Diễn Đàn Tuổi Trẻ anh góp phần thực hiện. Anh Hân biết rồi chương trình này thu hút nhiều tầng lớp thính giả, không riêng giới trẻ.
Trước khi gặp anh Quang Quick bác biết ngay sẽ có cuộc nói chuyện thú vị, vì tâm hồn anh vốn trẻ trung, có lẽ mãi đến muôn đời, khi hàng tuần nghe anh đấu khẩu với Snow. Dù chỉ biết qua giọng nói, anh chị đúng là diễn viên trí tuệ, mỗi sáng chủ nhật khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để thưởng thức, hôm nào bỏ lỡ nhiều người tiếc nuối. Anh Quick làm trẻ trung lại những người già nua tuổi tác, nhưng tâm hồn không già...
...
Trong một buổi lễ, nhân vật quan trọng thường xuất hiện sau cùng. Trước khi đặt tay lên bàn phím thực hiện bài này, bác gọi và nói chuyện với VIP Quang Minh (Very important Person)
Quang Minh
Deputy Head of Economic News Section,
News Department, Vietnam Television.

Thêm rất nhiều người biết và cảm tình với anh khi bác viết những phóng sự trước đây về anh và ngược lại, dường như có một sự cộng hưởng lớn.
Bác đang tìm cách nói chuyện với anh Vũ Anh Tuấn và những người khác. Tất cả đều diễn ra trong khoảnh khắc hiếm hoi...
***
Bác không định liệt kê danh sách các cuộc đàm thoại, vì như thế viết mãi trang này đến tràng khác vẫn không xong. Như cuốn lịch treo tường có 12 tờ, chỉ cần xem tờ tháng giêng, thấy ngày đầu năm (1/1) là thứ ba, kế tiếp lật xuống tờ tháng 12, ngày cuối năm (31/12) lá thứ tư, ta hiểu ngày nay đây năm nhuận, rồi dễ dàng suy luận ra là năm chẵn, và những diễn biến chung quanh. Cũng vậy, lướt qua một vài nét chấm phá có thể hình dung thật nhiều về bác. Hiện tại viết lách đối với bác là một phần tất yếu cuộc sống. Giữa cuộc đời bao chông gai thử thách, muốn mang niềm vui nho nhỏ đến mọi người, dường như bác có khả năng này. Khi xưa còn đi học, dẫu thích viết nhưng vẫn được khích lệ học hành ưu tiên trên hết. Rất nhiều lần bác thấy mình trẻ trung lại và đang đi học, rồi băn khoăn sực nhớ đã trải qua những trường lớp này rồi: thức giấc mới biết ngủ mơ. Sau cuộc sống thường nhật bác có sở thích ngồi vào máy. Bây giờ không còn bận học với những mùa thi cử căng thẳng. Con cái bác có cửa nhà hết rồi (ý muốn nói đã lập gia đình). Đúng lúc này khi đang nhẹ nhàng gõ lên bàn phím, ngồi sát bên bác là cô cháu ngoại xinh xắn tuổi ấu thơ, thích sống cạnh ngoại những khi ba mẹ vắng nhà...
April, 30, 2008
Đức Yên

Không có nhận xét nào: