2 tháng 4, 2008

Hè Quê Ngoại…


Mang tiếng sống chung một dải đất lại cùng ở miền Tây: Tây nguyên Tây nam, nhưng thật họa hoằn mới sang bên An Giang. Sàigòn là trung tâm điểm, ngược lên Daklak 300 cây, quãng đường tương tự vậy xuôi về thị xã Châu Đốc. Có người thân quen một thời xa xưa ở đó, cuộc sống bộn bề, liên miên trong tâm khảm vẫn nhớ miền quê xa vời vợi này. "Hè Quê Ngoại" là dịp tận mặt thấy vùng biên cương với đoàn làm phim thực hiện tác phẩm điện ảnh cùng tên.
Theo bước chân Trúc cháu ngoại ông Tám về thăm thị xã Châu Đốc. Từ bến xe miền tây, Sàigòn xuống An Giang đường nhựa dài vun vút đi qua chiếc cầu hiện đại nhất nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long. Long Xuyên thành phố tỉnh An Giang. Châu Đốc miền quê sông nước, nhà cậu Năm cách chợ không xa, cậu đãi món cá lóc nướng trui, dọn trong mấy tàu lá chuối rửa sạch, ngồi bệt xuống đất chấm muối ớt thưởng thức ngon lành. Nếu khát đã có nước mưa chứa trong lu, múc bằng gáo dừa.
Nơi đây gặp Siêng là cậu bé mồ côi hiếu học, ngày ngày ngoài giờ đến trường, cậu chăn bò cắt cỏ, vác hàng thuê đổi lấy bát cơm sách vở. Đêm đêm ngủ chòi ngoài đồng, lấy rơm ủ ấm thay chăn mền. Mỗi ngày đến trường cậu vượt qua cánh đồng vắng xa xa, lớp học mái tranh vách lá, thầy giáo bộ đội, học sinh lẫn lộn gồm cả người Kinh lẫn Khmer.
Khi rảnh Siêng dẫn Trúc đi câu cá ngoài ao hồ, cần câu mượn của ông già Miên quê mùa tốt bụng. Mồi là trứng kiến trắng trong béo ngậy bắt sẵn để trong ống lon. Mỗi lần cá cắn câu cả bọn rất vui. Vùng Đông Nam Á, không chỉ đàn ông Malaysia mặc váy, nam giới Khmer trùm khăn, bận xà rông tương tự vậy. Bơi lội xong, hai đứa về lại chòi tranh ông già Miên, ông đãi món khoai mì luộc nghiền nát, bánh tráng cuốn trộn rau sống lẫn mạch nha, mỡ hành nước mắm xào lên làm gia vị.
Dân miền Tây hào phóng hiếu khách, hễ ai đến hay đãi nhậu, cá là đặc sản, rồi bò hấp bò óc... Rất dân dã, tiệc thường chiêu đãi ngoài vườn hoặc ngồi bệt dưới đất trước thềm nhà.
Vùng Thất Sơn (Bảy Núi) nhiều rắn độc, hễ ai gặp nạn đều nhờ ông Sáu Trị ra tay cứu giúp. Ông Sáu có thuốc gia truyền hòa nhựa bông đắp lên: rượu thuốc bó vào vết thương, tụ máu bầm băng bó lành dần. Hổ đất là loài rắn độc, cắn từ mắt cá chân trở xuống. Thường khi hổ đất hiền lành nhưng ai vô tình dẫm phải nó trở nên hung dữ, liền phản ứng là cắn. Người ta cõng nạn nhân về để ngoài vườn, kỵ đưa vô nhà. Thuốc giã rít lại vết thương...
Lịch sử An Giang gắn liền với tên tuổi Nguyễn Văn Thoại, gốc Quảng Nam, nhiều thế kỷ trước xuống khai khẩn vùng Châu Đốc và Hà Tiên. Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh lớn ở vùng này, vợ là Châu thị Tế. Về sau để tưởng nhớ công ơn, người ta đặt tên kênh Vĩnh Tế. Chùa Tây An cạnh đó, hàng năm diễn ra Vía Bà, tham dự có cả người mình lẫn nước ngoài. Danh lam thắng cảnh vùng Bảy Núi. Bệ đã hành hương nghi ngút. Đền Bà Chúa Xứ lên khá nhiều bậc...
Theo con dốc thoai thoải đi xuống khoảng hai cây số có một chỗ bằng phẳng, bày hàng bán quán không khác gì chợ. Tịnh Biên là vùng biên giới: bên đây Châu Đốc bên kia Campuchia, ranh giới cách nhau bởi một hàng cây mỏng manh. Dọc theo đó có cây cầu biên giới, chợ biên giới. Dân Campuchia hẳn hào phóng vì một quả cam cũng đem chia (!?)... Campuchia còn gọi là Khmer hay Cao Miên, gọi tắt là Miên. Sang đất Miên, nhà sàn, xà rông, khăn trùm đầu là hình ảnh đặc trưng dễ bắt gặp nhất. Gặp nhau, họ chắp tay vái sâu đầu cúi chào. Đạo Phật phát triển. Vùng biên cương nổi tiếng có Chùa Hang. Sư sãi Campuchia và những ngôi chùa Khmer cổ kính. Con trai Miên tuổi thiếu niên bắt buộc phải đi tu chùa 3 năm, sau đó tiếp tục hay không tùy ý. Châu Đốc và vùng biên giới điển hinh nhất có cây thốt nốt, dùng làm nước giải khát hoặc nấu đường. Những lồng bè nuôi cá điêu hồng, cất nhà ngay trên vùng sông nước, muốn đến đó phải dùng xuồng. Trẻ em nơi đây giỏi bơi lội, câu cá, bắt cua, tưới khoai, chèo xuồng...
Đức Yên, April, 2nd, 2008

Không có nhận xét nào: